Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Cách cài đặt và sử dụng ổ cứng SSD cho Laptop


SSD có rất nhiều ưu điểm so với loại ổ cứng truyền thống (HDD), nhất là khả năng tắt/mở máy nhanh, truy xuất dữ liệu hiệu quả. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy chiếc laptop của mình chạy nhanh như… gió sau khi thay thế bằng ổ SSD.

Nâng cấp thiết bị lưu trữ của laptop từ ổ cứng thông thường lên ổ cứng thể rắn là một trong những thứ tốt nhất mà bạn có thể làm để tăng hiệu suất hoạt động của máy. Giá ổ cứng SSD ngày càng giảm sẽ giúp cho bạn có nhiều điều kiện nâng cấp hơn. Để tự mình thay thế ổ SSD cho laptop, bạn sẽ cần một số phụ kiện như: ổ SSD (dung lượng lớn nhỏ tùy thuộc vào khả năng của bạn, nhưng tốt nhất là nó đủ để lưu trữ các dữ liệu hiện có trên máy tính của bạn), ổ cứng gắn ngoài (kết nối qua USB), ổ USB (ít nhất là 128MB) và một chiếc tô-vít để tháo lắp máy tính.
Quy trình tổng thể sẽ diễn ra như sau. Trước tiên bạn cần sao lưu (backup) những dữ liệu hiện có trên máy tính rồi lưu chúng vào một thiết bị ngoài (USB hoặc ổ cứng di động). Tiếp theo bạn cần tháo ổ cứng HDD khỏi laptop rồi thay thế ổ SSD vào. Rồi sau đó copy dữ liệu sao lưu từ trước vào ổ SSD, và khởi động lại máy tính để kết thúc quá trình nâng cấp.
Về phần mềm sao lưu, bạn có thể sử dụng Acronis True Image (download bản dụng thử tại đây). Sử dụng Acronis để tạo bản backup của ổ C: hệ thống và lưu chúng vào ổ cứng ngoài. Bạn cũng có thể backup các phân vùng ổ cứng khác ngoài ổ C: nhưng thực ra việc này có thể thực hiện sau khi có thời gian cũng được. Bạn cần sử dụng tiện ích Bootable Media Builder của Acronis để tạo file khởi động cho ổ cứng ngoài.
Tiếp theo, bạn cần tắt máy tính, rút điện ra khởi nguồn và tháo pin ra ngoài. Tùy theo từng cấu tạo của laptop và thao tác tháo lắp ổ cứng sau đó diễn ra nhanh hay chậm. Nếu laptop đã có sẵn khe cắm ổ dự phòng (từ 2 trở lên) thì mọi việc sẽ đơn giản rất nhiều. Hầu hết các mẫu laptop 17-inch hiện nay đều có từ 2 khe cắm ổ cứng trở lên. Với cấu hình dạng này, việc tháo lắp ổ HDD và lắp thêm ổ SSD vào sẽ không có vấn đề gì. Tất cả những gì bạn cần làm là đặt các ổ cứng vào khe cắm khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần để ý rằng mẫu máy MacBook Pro 17-inch chỉ có duy nhất một khe cắm ổ cứng.

Tháo ổ cứng Macbook.
Nếu máy tính có sẵn khay đựng ổ cứng trong máy thì mọi việc sẽ tiện lợi hơn. Thường một số nhà sản xuất máy tính sử dụng khay đựng cho ổ quang, và bản thân chiếc ổ quang này có thể thay thế bằng các thiết bị khác, chẳng hạn như pin dự phòng hoặc thậm chí là một chiếc ổ cứng thứ hai. Một số mẫu laptop của Lenovo, Dell và Toshiba đều được chế tạo theo hướng này. Bạn chỉ cần tháo khay đựng ổ quang ra, rồi đưa ổ cứng vào. Nếu laptop không có sẵn khe đựng ổ quang, bạn có thể mua một chiếc vỏ đựng tên là OptiBay (giá khoảng 100USD) để lắp ổ cứng vào.

Khay ổ HDD.

Khay ổ quang.
Tiếp tới là bước chọn ổ cứng và ổ SSD. Đối với ổ cứng HDD, có thể là ổ ATA và SATA đều được nhưng dung lượng ít nhất phải từ 120GB trở lên. Tốc độ của ổ HDD không quan trọng lắm bởi nó chỉ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu, còn hiệu suất của máy có nhanh hay không thì phải dựa vào ổ SSD là chính. Bạn cũng cần để ý rằng một số loại ổ ứng 2,5-inch gần đây chỉ có duy nhất định dạng SATA mà không có ATA (bị loại bỏ do không đáp ứng được tốc độ truyền dữ liệu).

Ổ SSD.
Đối với ổ SSD, trước hết nó phải là ổ SATA và dung lượng tối thiểu phải là 32GB để có thể cài đặt được các hệ điều hành như Mac OS X Leopard, Windows Vista hoặc Windows 7. Ổ Mtron MOBI 3000 32GB cũng là lựa chọn khá tốt bởi tốc độ truyền dữ liệu nhanh (tốc độ đọc dữ liệu 100MB/s, tốc độ ghi dữ liệu 80MB/s) và sử dụng giao tiếp kết nối SATA.
Tùy theo từng loại máy mà việc tháo lắp ổ HDD và thay ổ SSD vào có đơn giản hay không. Phần lớn các loại laptop hiện nay đều cho phép tiếp cận ổ cứng bên trong khá dễ dàng. Bạn chỉ cần vặn một hoặc hai con ốc vít là xong. Riêng MacBook Pro thì lại khác, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và buộc phải tìm hiểu cơ chế tháo lắp phức tạp của dòng sản phẩm máy tính cao cấp này trước khi thao tác. Với MacBook Pro, bạn hầu như phải tháo cả lắp máy mới tháo được ổ cứng ra. Và khi lắp ổ SSD vào, bạn cũng nên để ý rằng tuy nó là loại ổ cứng đắt tiền nhưng cũng khá mong manh nên buộc phải cận trọng khi tháo lắp.

Laptop nhiều khay đựng ổ cứng.

Lắp ổ cứng HDD.
Sau khi lắp xong ổ SSD, bạn sẽ lắp ổ HDD vào làm ổ lưu trữ (như đề cập ở phần trên). Với các mẫu laptop 17-inch thì thao tác khá đơn giản – bạn chỉ cần mở nắp máy ra và lắp ổ cứng vào. Với một số mẫu laptop, bạn có thể lắp ổ cứng vào khay chứa ổ quang hoặc sử dụng thiết bị OptiBay thay thế.
Việc chạy song song cả ổ cứng và ổ SSD là khá đơn giản nếu chiếc laptop của bạn hỗ trợ khả năng này. Tất nhiên, việc nâng cấp này sẽ phù hợp với những chiếc laptop của Dell, Lenovo hoặc Toshiba hơn là những mẫu laptop đẳng cấp và phức tạp như Macbook Pro. SSD sẽ mang lại trải nghiệm đáng “đồng tiền bát gạo”. Vấn đề còn lại ở đây chỉ là bạn có chịu được mức giá vẫn còn rất cao của loại ổ cứng SSD hay không mà thôi.
Theo: Quản Trị Mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét